lundi 20 janvier 2020

1909-2019. Kỉ niệm 110 năm ngày sinh của cụ cố ĐẶNG Long Hưởng - Chủ tịch Liên đoàn Ái hữu VN tại Tân đảo


NGƯỜI PHU MỘ VIỆT NAM Ở TÂN ĐẢO (Vanuatu)
 (Les travailleurs vietnamiens aux Nouvelles-Hébrides)


Jean Vanson biên soạn và lên trang Blog


Cụ cố ĐẶNG Long Hưởng - Người có dẫu X - Người sáng lập và là vị Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Ái hữu VN tại Tân đảo (New-Hebrides/Vanuatu) trong buổi Lễ kéo cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên ngày 30/6/1946 tại Thủ phủ Port Vila.

1909-2019. K nim 110 năm ngày sinh ca C C Đặng Long Hưởng - Người sáng lp và cũng là V Ch tch đầu tiên ca Liên đoàn Ái hu Vit nam (1943-1947) ti Port Vila Tân đảo New Hébrides / Vanuatu.
Nguyn cu cho Vong linh c được yên ngh thanh thn nơi Cõi Vĩnh hng cc lc...

Duyên Kỳ ngộ ...

... Jean Vandai (Jean van Jean) tức Văn là một trong những người con cháu hậu duệ của người Phu mộ chân đăng tại Port Vila Tân đảo. Là một trong những con người thuộc thế hệ hai hiếm hoi còn sót lại và cũng là nhân chứng sống động của thời kì tranh tối tranh sáng đó. Cuộc đấu tranh muôn vàn khó khăn, nhưng cũng vô cùng oanh liệt của các cụ, chú bác từ người cu-li phu mộ tổ chức đấu tranh đòi quyền bình đẳng, tự do và công lý. Trải qua bao nhiêu biến cố dẫn đến ngày 30 tháng 6 năm 1946, người Phu mộ Việt Nam ở Tân đảo dưới sự lãnh đạo tài tình của Liên đoàn Ái hữu và Thợ thuyền VN do các ông Đặng Long Hưởng và Đồng Sý Hứa đã tổ chức kéo cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên ngay tại Thủ phủ Port Vila.

Phía bên trai của tấm ảnh này là nơi đã diễn ra Lễ Kéo cờ đỏ sao vàng ngày 30/6/1946 do Liên đoàn Ái hữu VN tổ chức tại Thủ phủ Port Vila Tân đảo.

Mặc dù đã được phép của hai chính quyền đồng quản Anh Pháp, nhưng người ta vẫn quan ngại một chính quyền mới sẽ được thiết lập tại đất nước này. Từ năm 1906, khi xây dựng chính quyền đồng quản Công-đo-mi-nhôm (Condominium) đã có hai lá cờ của Anh và Pháp song song tồn tại. Và đến ngày 30/6/1946, người ta được chiêm ngưỡng giữa Thủ phủ Port Vila thêm lá cờ thứ ba là cờ đỏ sao vàng của người cu-li phu mộ VN đứng sừng sững ngang hàng với cờ Anh và Pháp. Ngoại kiều và dân bản địa ngạc nhiên và quan ngại.
Nhất là trong buổi Lễ kéo cờ có hàng ngàn người phu mộ VN từ các đảo về dự. Ngoài ra có hàng trăm kiều dân Anh, Pháp, Trung hoa, In-đô  và một số lính Mỹ nữa. Người ta không thể coi thường hàng ngũ vệ sĩ của phu mộ VN hàng trăm người mặc quần áo trắng thắt lưng đỏ mũ nồi xanh, với đầy đủ súng ống của Mỹ. Oai nghiêm hơn cả lính Bảo an của Pháp và Anh lúc bấy giờ chỉ vẻn vẹn mấy chục người. Đa số vệ sĩ VN là cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Pháp những năm 1914-1918 cho nên hàng ngũ chinh tề.

Ngôi trường dậy tiếng VN đầu tiên do Liên đoàn Ái hữu tổ chức xây dưng tháng 2 năm 1946 tại Thủ phủ Port Vila Tân đảo.

Đội múa rồng, kì lân với nhịp trống thanh la kèn đồng đã làm náo nhiệt không khi của dẫy phố chật ních người tham dự. Lúc bấy giờ, Văn đã 9 tuổi vừa nhập học trường Ecole Vietnamienne hồi tháng hai sau hè. Văn là út ít nên được bố đẻ tức ông Cai Son rất cưng, đi đâu cũng giắt theo. Chính vì vậy mà ngày hôm ấy Văn đã được chứng kiến và chiêm ngưỡng Lễ kéo cờ đỏ sao vàng. Văn nhớ rất rõ là khi ông Hứa kéo cờ thì kèn đồng và mọi người hát vang bài quốc ca “La Marseillaise” của Pháp lời Việt. Nhớ đoạn như sau: “ Bồng cờ Việt minh bay cao phấp phới Sơn hà. Giữ nước non nhà, há thua năm châu. Cờ in máu chiến thắng đã vươn lên ...” . Kiều dân Pháp cũng hát theo bằng lời ca của họ. Lính Bảo an Tây và vệ sĩ VN đều bồng súng chào rất trịnh trọng. Ngày Lễ hội tưng bừng nhộn nhịp kéo dài suốt ngày đêm.


 Hội quán Liên Việt (Cộng hòa) tại Port Vila Tân đảo.

Bây giờ nếu xem lại thì thấy ngày 30/6/46 là ngày chủ nhật cuối tháng dương, nhưng lại là đầu tháng âm tức mồng 2 tháng 6. Các cụ kéo cờ vào lúc 8h00 sáng là giờ Thanh long Hoàng đạo của ngày Ất hợi và tháng Ất mùi. Có nghĩa là các cụ đã gieo quẻ và chọn ngày lành tháng tốt. Nhưng cũng thực trớ trêu. Vì  mấy tháng sau đó, do bất đồng chính kiến nên Liên đoàn Ái hữu đã phân chia thành hai phe nhóm. Một phe chủ trương đấu tranh ôn hòa mang tên Hội Cộng hòa do ông Hưởng lãnh đạo có trụ sở ngay trung tâm thành phố Port Vila. Một phe chủ trương đấu tranh bằng uy lực mang tên Hội Công đoàn do ông Hứa lãnh đạo có trụ sở ở Trại Việt nam số 2 Tagabe, cách thành phố khoảng gần 5 km. Mặc dù vậy, bên trong hội quán của mỗi Hội đều treo cờ đỏ sao vàng và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phó Chủ tịch Tôn đức Thắng…


… Thương thay! Ngày 1/1/1947, một nỗi mất mát và đau buồn to lớn đã đến với bà con Việt kiều Tân đảo: ông Đặng Long Hưởng đã bị tai nạn ô-tô và qua đời tại dốc Creek Ai phía Tây bắc đảo Efate. THÀNH KÍNH PHÂN ƯU... Văn đã đi theo đoàn học sinh đến viếng ông Hưởng và ông Nhân tại nhà quàn xác Nhà thương Tây.


... Rồi sáu mươi năm sau, chính cậu bé Văn hồi ấy đã cơ bản hoàn thành bản DANH MỤC (Répertoire) trên Blog Tân đảo Xưa và Nay. Thật là duyên kỳ ngộ và cũng thật bất ngờ. Chị Phạm Hiền, con cháu hậu duệ của cụ Đặng Long Hưởng đã đọc được bài viết và bắt liên lạc với Lão Văn. Kết quả là năm 2019, con cháu của cụ Hưởng đã tìm đến tận nơi yên nghỉ của Cụ tại Port Vila Tân đảo nay là quốc đảo Vanuatu. Vâng, thưa quý vị và bạn đọc, chỉ với một thông tin rất nhỏ trên trang mạng đã mang lại niềm vui lớn cho cả một gia đình, cho cả một dòng họ sau hơn 70 năm mất liên lạc với người thân của mình nơi đất khách quê người. Âu cũng là cái duyên kỳ ngộ vậy…


Trích đon vần H bản Danh mc (Répertoire) trên Blog “Tân đảo Xưa và Nay”

Chân dung cụ cố Đặng Long Hưởng

Hưởng (Đặng Long) (1909-1947).
Ông quê ở làng Nam Thắng, Xã Hạt cát, Huyện Giao thuỷ, Tỉnh Nam định. Nguyên là quan chức thuộc chính phủ bảo hộ, được biệt phái sang Tân đảo (New Hebrides/ Vanuatu) làm quan phán thông dịch viên tại Tòa sứ Pháp Port Vila từ năm 1938.
Ông Đặng Long Hưởng nguyên là người sáng lập và là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên đoàn Ái hữu VN tai Port Vila Tân đảo từ năm 1943. Bao gồm các tầng lớp công nhân lao động, công chức trí thức v.v… Ngày 30 tháng 6 năm 1946, Ông Hưởng và ông Đồng sỹ Hứa (Chủ tịch Hiệp hội thợ thuyền VN tại Tân đảo) đã tổ chức kéo cờ đỏ Sao vàng lần đầu tiên tại Thủ phủ Port Vila Tân đảo. Nhưng vì bất đồng chính kiến nên Liên đoàn Ái hữu đã chia thành hai phái. Một do ông Đặng Long Hưởng lãnh đạo lấy tên là Việt Nam Cộng hòa, chủ trương đấu tranh chính trị ôn hòa. Còn ông Đồng Sỹ Hứa đã thành lập Hội Công đoàn VN tại Tân đảo bao gôm lao động và thợ thuyền. Chủ trương đấu tranh bằng uy lực. Hai Hội quán đều treo cờ đỏ sao vàng và ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 1946, Ông là người chủ trì xây dựng trường học dậy tiếng VN đầu tiên ở Port Vila Tân đảo lấy tên là "Ecole vietnamienne" ngay đằng sau hiệu thuốc Tây (Pharmacie française).
Ông luôn khuyên nhủ bà con phu mộ nên định canh định cư làm ăn sinh sống lâu dài ở Tân đảo.
Ông đã qua đời trong vụ tai nạn xe ô tô thảm khốc tại dôc Creek Ai gần Port Havannah phía Tây bắc Efate đúng ngày 1/1/1947.
Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu của người phu mộ VN ở Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu)


Xin trân trọng cảm ơn và mạn phép đăng tải nguyên văn bài viết về cảm tưởng của chị Dương Anh Khuê - thành viên gia đinh con cháu Cụ Đặng Long Hưởng - sau khi viếng thăm đất nước Vanuatu:

Tác giả bài viết:  khueanhduong@gmail.com
Chủ đề: VANUATU - TÂN ĐẢO và BÁC  TÔI
VANUATU - TÂN ĐẢO và BÁC TÔI
Hơn một tháng trước khi đến đây, tôi còn không biết rằng có một đất nước tên là Vanuatu tồn tại trên bản đồ địa lý thế giới. Nhưng rồi như là mối nhân duyên từ quá khứ đem lại, gia đình tôi nhận được manh mối thông tin từ một bác Việt kiều đang sinh sống tại Vanuatu có thể giúp chúng tôi tìm được ngôi mộ của bác tôi - bác Đặng Long Hưởng. Và tôi đã gia nhập ngay nhóm tiên phong của dòng họ để sang tìm nhận mộ chí của bác Hưởng hiện nằm tại đó. Vậy là chuyến " tư du" của ba dì cháu (tôi và hai cháu ngoại bác Hưởng) bắt đầu được lên kế hoạch và chuẩn bị làm các thủ tục cần thiết để đúng ngày 1/5 chúng tôi lên đường.
Nằm cách Sydney gần 4h bay, Vanuatu là một quốc đảo bao gồm 83 hòn đảo lớn nhỏ ở phía đông của Australia, có dân số chưa tới 30 vạn người. Ở  Việt Nam chúng ta thường quen gọi đó là Tân đảo. Trước năm 1980, nước này có tên là New Hebrides, đặt dưới sự đồng trị của Anh và Pháp, sau khi giành độc lập lấy tên là Vanuatu. Vì vậy đối với tôi, nghe tên nước " lạ hoắc" cũng có lý do chính đáng ( có tí biện minh cho sự hiểu biết kém cỏi của mình) hi hi...


Sau gần 9 giờ bay từ Hà Nội đến Sydney, chúng tôi đã được vợ chồng anh Thành đang sinh sống và làm việc tại đây hân hoan đón tiếp. Bố anh Thành là em vợ bác Hưởng và là anh trai của bố tôi. Chỉ kịp nghỉ ngơi và ăn trưa 2 tiếng đồng hồ, ngay sau đó chúng tôi phải vào cơ quan đại diện của Vanuatu tại Sydney để xin visa. Do nước này không đặt Đại sứ quán/ Lãnh sự quán tại nước ta nên việc xin visa từ Việt Nam là rất khó. Khi ở Hà Nội, chúng tôi đã nhờ 1 công ty du lịch xin visa online nhưng đơn từ gửi đi mà chẳng có hồi âm. Trái ngược với ở VN, đến đại diện của họ tại Sydney, chúng tôi chỉ việc đưa hộ chiếu và nộp 150 Đô la Úc là dấu visa được đóng cồm cộp, cả 3 quyển hộ chiếu của 3 dì cháu có dấu "hoành tráng" trong vòng 20'. Ngẫm nghĩ mới thấy sự đời thật trớ trêu. Ở Việt Nam thì theo hướng dẫn trên mạng phải có đủ thứ giấy tờ rồi thì chứng minh tài khoản ngân hàng này nọ mà họ còn chả thèm trả lời. Đến đây thì họ chỉ hỏi một câu duy nhất " muốn ở bao lâu?". Chắc là vì khi đã có visa vào Úc thì đã coi như có " nước mẹ" bảo trợ rồi.
Sau vài ngày để nghỉ ngơi, thăm thú Sydney và book vé máy bay, 3 dì cháu chúng tôi cùng với vợ chồng anh Thành đáp máy bay sang Vanuatu với mong muốn tìm nhận được phần mộ của người bác/người ông quá cố mà cả họ đã mất công tìm kiếm bao lâu nay mới có tung tích.
Bác Hưởng tôi sinh năm 1909, quê ở Nam Định, bác là công chức của Pháp và được cử sang Tân đảo để quản lý và phiên dịch cho người phu mộ Việt nam tại đây ( khi ấy họ được gọi là " chân đăng" - một danh từ để chỉ người đi phu hoặc làm thuê ở nước ngoài cho người Pháp thời đó). Khi rời Việt Nam, bác đã có vợ ( là chị ruột của bố tôi) và hai cô con gái. Sau khi bác đi được 6-7 năm thì ở nhà nghe tin bác mất và cả nhà bặt tin tức từ đó. Vì có quá nhiều biến động trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những thập kỷ 40 - 80 của thế kỷ trước nên dòng họ không thể biết bác an nghỉ nơi đâu tại Tân đảo.


Chị Khuê Anh Duong là người mặc áo trắng trong ảnh.

Sau này cả nhà cũng bỏ nhiều công sức để tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Khi ấy cả nhà chỉ biết nơi bác nằm lại là Tân đảo và tập trung vào cái tên đó. Chẳng ai biết ai ngờ, ngày xưa khi Pháp mộ phu đưa sang cả hai quần đảo không xa nhau mấy ở phía đông Australia, một có tên là New Caledonia ( Tân thế giới) và một có tên là New Hebrides ( Tân đảo). Nhưng từ lâu hầu hết người Việt đều gọi chung cả 2 quần đảo đó là Tân đảo. Năm 1980, New Hebrides độc lập và lấy tên nước là Vanuatu. Cái tên "Tân đảo" chỉ còn gắn lại với New Caledonia. Điều này đã thực sự gây mất phương hướng cho những thế hệ sau muốn đi tìm " tiền duệ" của mình. Gia đình tôi là một trong số đó.

Logo của Blog Tân đảo Xưa và Nay 

Nhưng rồi nỗ lực tìm kiếm phần mộ bác tôi cũng được đền đáp, đây quả là một cơ duyên may mắn cho cả dòng họ. Cháu tôi trong khi lang thang trên mạng đọc về " Tân Đảo Xưa và Nay", tìm thấy trang jeanvanjeanchandang.blogspot.com của bác Nguyễn Văn Đại. Trong bài viết của bác có đề cập đến bác Hưởng tôi, có cả ảnh bác tôi chụp chung với một số người khác. Cháu tôi liền liên hệ với bác qua email, và tin tốt lành đã đến. Bác Đại là người biết rất rõ về bác Hưởng khi ở Tân đảo và cả nơi đặt mộ chí của bác tôi. Qua bác Đại, chúng tôi được biết bác tôi mặc dù là công chức của Pháp nhưng có tinh thần yêu nước, yêu đồng bào mình. Bác là một trong những người lãnh đạo đầu tiên của Liên đoàn Ái hữu ( liên đoàn bênh vực quyền lợi cho người Việt trên đất Tân đảo khi ấy). Bác Đại là thế hệ người Việt đầu tiên được sinh ra và lớn lên tại Tân Đảo, khi còn nhỏ bác đã được học tiếng Việt ở chính ngôi trường do bác tôi sáng lập, ngôi trường này chuyên dạy tiếng Việt cho con em của những người Việt sinh sống tại đó. Vì vậy, khi nói đến bác tôi, bác Đại vẫn còn nhớ rất rõ. Bác Đại đã tận tình hướng dẫn chúng tôi để nguyện vọng nhận lại mộ chí người thân của gia đình tôi trở thành hiện thực.


Năm anh chị em chúng tôi đặt chân đến sân bay của Thủ đô Port Vila vào khoảng đầu giờ chiều. Sau thời gian làm thủ tục nhập cảnh lâu hơn mức cần thiết do 3 trong số 5 chúng tôi có Hộ chiếu Việt Nam. Tôi hơi bực vì chưa thấy ở đâu làm thủ tục nhập cảnh với một phong cách kém chuyên nghiệp như ở đây. Tôi đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia trên cả 5 châu lục, cũng đã đến những nước kém phát triển ở châu Phi, nhưng có lẽ đây là nơi tôi khó chịu nhất về việc làm thủ tục. Nhưng bù lại cho chúng tôi, những nhân viên khác tại sân bay và cả những con người nơi đây rất vui vẻ, cởi mở, họ tươi cười chuyện trò với chúng tôi rất " vô tư", cứ như họ đã quen biết chúng tôi từ lâu vậy. Điều này làm sự khó chịu của tôi được tan biến nhanh chóng.
Sau khi nhập cảnh và ra ngoài sân bay, mặc dù chưa gặp bác Đại bao giờ, nhưng mấy bác cháu đã nhận ngay ra nhau. Lần đầu gặp mà sao như đã gần gũi thân quen từ thuở nào. Bác đưa chúng tôi về khách sạn ở trung tâm Thủ đô, hướng dẫn chúng tôi cách đi lại trên đảo và hẹn hôm sau sẽ đưa chúng tôi ra mộ bác tôi.
Khách sạn chúng tôi ở là KS 3 sao +, có thời gian làm việc cũng " lạ hoắc " như tên đất nước này : ngày thường từ 7h-19h, thứ 7 và chủ nhật từ 7h- 16h. Chúng tôi được trao chìa khoá cổng/ cửa chính cùng lúc khi nhận chìa khoá phòng. Thế mà lại hoá hay, vì trong thời gian chúng tôi ở đây chỉ thấy có nhóm chúng tôi là khách, cộng với sự " toàn quyền" chìa khoá ra vào khiến chúng tôi có cảm giác thoải mái gần như ở nhà mình vậy.



Tối hôm đó chúng tôi đi dạo dọc theo con đường ven biển ngay trung tâm thủ đô, đứng dọc lan can nhìn xuống thấy nước biển trong vắt, vô cùng sạch sẽ , rất nhiều đàn cá lớn nhỏ bơi lội tung tăng. Điều tưởng như không thể có ở một đất nước nghèo. Sau này mới biết chính phủ nước này cấm đánh bắt cá khu vực gần bờ của đảo, cấm sử dụng túi ni lông và người dân thì tuân thủ luật pháp cực kỳ nghiêm túc. Khoản này văn minh hơn ta là chắc rồi.
Ngày hôm sau, bác Đại dẫn chúng tôi đến nghĩa trang. Nghĩa trang nằm trên nửa quả đồi thoải và rộng, có đường to ở giữa, một bên là khu vực giành cho phần mộ của người Việt, một bên là khu vực giành cho người công giáo khác. Hơn hẳn những gì chúng tôi tưởng tượng trước khi đến đây: Khung cảnh cả hai khu vực ấy đều rất khang trang sạch sẽ, có hoa tươi thắm trên ban thờ chung. Các nấm mộ được xây cất cẩn thận, có bia mộ tuy đơn giản nhưng ghi rõ ràng thông tin cá nhân của người quá cố. Nhiều ngôi mộ có hoa đặt còn tươi rói. Chúng tôi có cảm giác nghĩa trang được quan tâm chăm sóc khá chu đáo. Bác Đại cho chúng tôi biết là Thành phố có kinh phí giành cho việc chăm sóc thường xuyên này, ngoài ra còn có một lady người Mỹ hàng tuần thiện nguyện mang một xe tải chở những bó hoa tươi đến đặt tại các ngôi mộ ở cả hai khu vực. Chắc chắn bác tôi cũng đã không ít lần được bà "tặng hoa" như vậy. Cuộc đời này vẫn còn nhiều tấm lòng đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ.


Mộ bác tôi nằm ở vị trí dễ tìm. Bên cạnh bác tôi là bác Nguyễn Văn Nhân - sinh năm 1918, quê ở An Dương- Kiến An. Bác Nhân và bác tôi mất cùng một ngày. Vào ngày Tết Tây 1/1/1949, là ngày nghỉ nên bác tôi cùng hai người bạn ( cùng là công chức Pháp) vào rừng đi săn. Chẳng may trên đường về, ô tô bị rơi xuống vực, bác tôi và bác Nhân mất trong tai nạn này, một bác may mắn thoát nạn. Khi chúng tôi đứng tưởng niệm bên ngôi mộ bác tôi, trời mưa khá nặng hạt. Đất trời dường như cũng muốn hoà cùng sự xúc động khi những người thân yêu trong gia đình tìm lại được nhau sau bao năm biệt tích. Có lẽ chỉ những ai ở trong hoàn cảnh khi tìm được mộ người thân như gia đình tôi mới thấm hết được sự thương nhớ xen lẫn vui mừng như thế nào.
Chúng tôi cũng thắp hương trên bàn thờ chung và những ngôi mộ xung quanh để tưởng nhớ hương hồn của những người con đất Việt mà vì mưu sinh đã phải nằm lại nơi xứ người.


Công việc chính đã xong, chiều hôm đó, chúng tôi giành thời gian đi thăm bảo tàng dân tộc của người dân Vanuatu. Bảo tàng này do một Linh mục gốc Pháp quản lý. Người Linh mục và cô gái làm nhiệm vụ thuyết minh đón tiếp chúng tôi rất hồ hởi, chắc hẳn họ cũng muốn giới thiệu cho chúng tôi về nguồn gốc và cuộc sống của những thổ dân nơi đây, những con người đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Một cuộc sống hoang dã, khác lạ rất nhiều so với những nơi tôi đã từng đặt chân tới.
Chiều muộn hôm đó, chúng tôi tản bộ thăm thú Thủ đô. Gọi là Thủ đô nhưng chỉ có vài ba trục đường chính song song với bờ biển và các trục cắt ngang đều dẫn xuống biển. Biển ở khu vực này nước sâu nên không có bãi tắm mà có lan can inox chắn ngay trên mép bờ. Quy mô thành phố này chỉ như một thị xã miền trung du của nước ta. Người dân chủ yếu là người da đen, rất vui vẻ, cởi mở. Có những người khi chúng tôi mải ngắm nghía hai bên, đi qua rồi mà họ còn gọi với theo rất to để chào hỏi cùng với ánh mắt và nụ cười thân thiện. Điều này gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi. Có lẽ hiếm nơi nào trên trái đất này có được như thế. Đường phố không quá rộng, ô tô chủ yếu là xe bus loại 12 chỗ chạy lòng ròng khắp các con đường, thấy biển số xe có chữ B ở đầu thì đó là xe bus, không có màu xe đặc trưng, không ghi tuyến. Cả thành phố không nhìn thấy bóng dáng của xe máy, rất ít xe đạp, không tiếng còi inh ỏi như trên đường giao thông của nước ta,  “rõ là buồn tẻ". Chợ trung tâm bày bán các sản vật địa phương, có nhiều loại rau, củ, quả cũng giống như ở Việt Nam nhưng to hơn nhiều và hoàn toàn Organic. Đất đai được hình thành từ bazan núi lửa nên rất màu mỡ không phải dùng phân bón khi trồng trọt. Rau quả tươi xanh ăn rất ngon mà không phải lo lắng về an toàn thực phẩm. Chợ bán cả đêm, người bán hàng ngủ ngay trong quầy ở chợ. Vì cấm sử dụng túi ni lông, nên ở chợ hay trong siêu thị, với các đồ ăn ngay ( như bánh mì), khi tay ta đã cầm đến cái nào thì " luật bất thành văn" coi như mua cái đó. Rất đơn sơ mà lại văn minh vậy đó.
Trong thời gian ở đây, không thể bỏ qua cơ hội khám phá thiên nhiên trên vùng đất này. Chúng tôi lên chiếc ô tô đã thuê từ hôm mới tới để đi ra khu vực ngoài thủ đô. Đường bao quanh đảo có đoạn thì đã trải nhựa nhưng đa phần là đường cấp phối, ô tô chạy cũng ổn tuy hơi xóc. Nhìn sang hai bên đường đi chỉ thấy ngút ngàn rừng cây rậm rạp nhiều tầng nhiều lớp - điển hình của rừng nhiệt đới. Đôi khi chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng một mái nhà/túp lều. Nếu không vậy thì không khéo ta cứ ngỡ như mình đang đi trên hoang đảo - nơi mà đâu đó anh bạn Robinson Crusoe từng ở. Quả là một trải nghiệm thú vị đối với chúng tôi. Có lẽ đi sâu vào phía giữa đảo cũng sẽ có người dân sinh sống. Nhưng rất tiếc chúng tôi không đủ thời gian và cũng không chuẩn bị cho sự khám phá này nên đành đi về trung tâm thành phố mà trong lòng tiếc hùi hụi.



Buổi tối trước hôm bay về Sydney, chúng tôi được bác Đại mời tới nhà dùng bữa cùng gia đình bác. Như tôi đã nói ở trên, bác Đại sinh ra và lớn lên ở Vanuatu, năm 1963-1964, bố mẹ bác nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, hồi hương về nước xây dựng Tổ quốc. Về Việt Nam, bác đã đi làm cho cơ quan Nhà nước, lấy vợ và sinh được hai cậu con trai. Năm 1997 bác nghỉ hưu. Chắc do nhớ nhung, luyến tiếc mảnh đất nơi đã chôn nhau cắt rốn của mình, bác quyết định quay lại Vanuatu. Quá trình quay lại để định cư và sau đó đón được vợ, hai gia đình nhỏ của hai cậu con trai sang sinh sống và làm ăn, nghe bác kể lại cũng thấy gian nan lắm. Nhưng cuối cùng cũng có được kết quả như ý. Hiên tại hai bác ở với vợ chồng cậu cả, có cửa hàng tiện ích bán đủ thứ phục vụ sinh hoạt thường ngày. Gia đình cậu thứ mở cửa hàng ăn phục vụ bữa sáng và trưa ngay bên cạnh. Việc kinh doanh của hai cửa hàng rất thuận lợi, khách hàng rất đông. Thật là mừng cho gia đình bác.


Bữa tối hôm đó, chúng tôi được cả nhà thết đãi các sản vật địa phương. Đặc biệt có hai món mà lần đầu tiên tôi được thưởng thức, đó là nước uống được xay ra từ rễ cây cava và cua dừa. Nước uống từ rễ cây cava nghe nói có
nhiều tác dụng, trong đó có tác dụng an thần, là thức uống của thổ dân ngày trước. Họ thường tụ tập nhau tại một túp lều "chuyên dùng" để cùng uống và " chém gió". Hiện nay người dân vẫn duy trì tập tục đó và nhiều người " nghiền" thức uống này. Cua dừa là một loại cua khi nhỏ thì chui vào các vỏ ốc để sống, đến khi không còn vỏ ốc nào chứa nổi thì nó leo tót lên cây dừa và cứ thế lấy càng bóp bẹp quả dừa ra để....chén. Cứ mỗi 10 năm nó tăng được 1 kg. Có con nặng 4 kg tức là đã sống được 40 năm. Vì vậy thịt cua có vị thơm ngon, ngọt đậm một cách đặc biệt. Chúng tôi đã ăn uống nhiệt tình và xơi sạch sành sanh hai con cua to vật ( mỗi con chừng 3 ký lận). Một bữa ăn tuyệt vời trong một gia đình giầu lòng nhân ái, luôn hướng về cội nguồn và làm tất cả những gì có thể cho dân tộc của mình, quả là sự may mắn vô cùng đối với chúng tôi. Chắc chắn rằng những kỷ niệm đẹp đẽ ấy sẽ theo chúng tôi suốt cả cuộc đời.



Trước ngày tạm biệt hòn đảo xinh đẹp này, chúng tôi đến nghĩa trang thăm và chào tạm biệt bác Hưởng. Cuộc "chia tay" với bao tình cảm lưu luyến cùng với những nỗi niềm còn canh cánh trong mỗi chúng tôi. Đó là trong nghĩa trang người Việt, đa số các ngôi mộ còn chưa được gia đình biết đến. Ngay ngôi mộ của bác Nhân bên cạnh bác tôi, được biết khi mất bác đã có vợ con, vậy mà bác vẫn chưa gặp được người thân của mình. Tôi hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều gia đình tìm được nơi an nghỉ của người thân như gia đình tôi. Nếu ai cần sự tư vấn về kinh nghiệm đi lại, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, và có thể tìm hiểu thông tin nhiều hơn qua blog của bác Nguyễn Văn Đại như tôi đã nêu ở phần đầu của bài viết này.


Trái ngược với khi nhập cảnh vào đây, khi xuất cảnh, thủ tục làm rất nhanh gọn. Em nhân viên hướng dẫn chúng tôi hôm mới tới nhận ra chúng tôi ngay và tươi cười thăm hỏi như đã thân quen từ lâu lắm. Khi chúng tôi vào phòng chờ, em còn nhìn theo mãi như có phần nhớ nhung xao xuyến. Ôi, sao con người ở đây dễ thương đến vậy. Đến giờ, gương mặt và ánh mắt của em vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Chúng tôi vô cùng cảm ơn đất nước này đã ôm trọn bác tôi trong giấc ngủ ngàn thu. Vô cùng cảm ơn những con người nơi đây đã quan tâm, chăm sóc cho hương hồn bác tôi trong những năm tháng cô đơn trên mảnh đất này. Và đặc biệt cảm ơn bác Nguyễn Văn Đại cùng toàn thể gia đình đã cung cấp những thông tin vô cùng quý báu, đã nhiệt tình
hướng dẫn, đón tiếp để chuyến đi của gia đình tôi thành công mỹ mãn. 


Cảm ơn sự sắp đặt của Đức Chúa trời để chúng tôi có được những may mắn như thế này. Hy vọng rằng nhiều gia đình có người thân còn nằm lại nơi đây sẽ sớm có được niềm vui như chúng tôi. Một điều chắc chắn nữa, đó là những kỷ niệm về đất nước và con người Vanuatu tuy còn nghèo nhưng văn minh và thân ái sẽ khiến chúng tôi không bao giờ có thể quên được.


Trong chuyến về thăm quê hương vừa qua, tác giả Blog đã may mắn được gặp bà Đặng Thị Kim Phụng và toàn thể gia đình con cháu ở Hà nội. Bà là thứ nữ của cụ cố Đặng Long Hưởng. Bà đã 85 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mấn. 

Tác giả Blog xin kính chào và trân trong cảm ơn quý vị và bạn đọc xa gần đã ghé thăm Blog và xem bài viết. Xin chúc mọi người sức khỏe tốt đẹp và niềm vui hạnh phúc.
Chúc mừng Xuân Canh tý vui khỏe, an khang, thịnh vượng.