dimanche 28 décembre 2014

Sự "Thăng trầm" của Cộng đồng người VN ở Tân đảo


Chân dung người Phu mộ chân đăng thời kì nô lệ

Sự “Thăng trầm”
của Cộng đồng người Việt nam
ở Tân đảo Xưa và Nay.

Năm 2012. Sau 50 năm xa cách, Ông Trịnh Tài, Ông Trần Ngọc Bích cùng với 81 anh chị em nguyên Việt kiều Vila - Santo - Nouméa đã trở về thăm lại nơi sinh trưởng của chính mình.


Jean Van Son - Vanuatu
ghi theo lời kể của bà con VK ở Port Vila.


Nghe các Cụ già kể lại cái thuở xa xưa, thời kì mà người dân phu mộ VN mới chân ướt chân ráo từ Việt nam tới Tân đảo xa xôi hẻo lánh. nổi tiếng với  rừng thiêng, nước độc. Sởn da gà với những chuyện của người thổ dân da đen chuyên ăn thịt người như ở xứ  Ma-la-ku-là và những đảo xa xôi hẻo lánh tận trên phía Bắc như Băng-kịch (Banks) và Tôi-rét (Torres). Rồi đảo Ê-pi, Păng-ti-cốt, Pa-mà, Ambrym v.v… Đó là chưa nói về chuyện thiên tai kinh khủng như bão táp, đất rung và sóng thần. Nhưng tất cả cái đó so với chế độ hà khắc của thực dân thời kì “nô lệ” thì lại một Trời, một vực.

Trên một hòn đảo hiu quạnh giữa biển khơi nơi "viễn xứ"


Thật vậy. Thời thực dân, người phu mộ làm việc cực kì vất vả, cộng thêm roi vọt như cơm bữa. Nhiều người đã không thể chịu nổi, mắc bệnh và chết uổng, vùi thây ngay dưới  gốc cây dừa do chính tay họ vun trồng. Như ở đồn điền La-mập, Norsup, Sarmettre ở Ma-la-ku-là, đồn điên Ăng-ghền, Malô Pass ở Santô. Do làm việc quá sức, ăn uống thiếu thốn cộng thêm roi vọt hàng ngày và bệnh sốt rét hoành hành, nên nhiều người mới trên 40 tuổi đã hom hem và được tôn là “cụ” rồi
Nhưng mặt khác, cũng có thể là thời bấy giờ, do đầu óc vẫn còn chút phong kiến, nhiều người cũng muốn tỏ ra là mình có chút “ăn học”, nên mỗi khi gặp người ngang hàng hoặc hơn mình vài tuổi là trịnh trọng cúi đầu vái chào với câu cửa miệng: “Dạ, xin kính chào cụ ạ!” và  được dáp lại bằng sự khuôn phép: “Dạ bẩm, không dám, xin kính cụ ạ!”. Ban đầu thấy lạ. Nghe quen rồi cũng thấy êm êm cái mang tai.


Hình ành của Quê hương luôn nằm trong trãi tim người "Viễn xứ"

Còn trẻ con đôi khi bị ăn đòn oan chỉ vì quên không chào người lớn nào đó bắt gặp ngoài đường là chuyện thường tình. Lúc bấy giờ các cụ chỉ nói bâng quơ: “Không biết chúng là con cái nhà ai mà lễ phép thế nhỉ”. Nhưng rồi cũng đến tai bố mẹ chúng.
Đúng ra, thời bấy giờ các cụ cũng nền nếp, gia giáo lắm. Thông thường thì phú quý mới sinh “Lễ nghĩa”. Nhưng các cụ lúc đó một xu dính túi chả có. Ấy vậy mà lúc nào các cụ cũng nhắc nhở con cháu là phải coi trọng luân thường đạo lý.  Luôn phải “tôn sư, trọng đạo” và đi học phải nhớ câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nhiều cụ không biết đọc, chẳng biết viết nhưng lại hay nói câu này: “Nhân bất học, bất Tri lý”. v.v…và v.v…

Thành phố Port Vila Vanuatu ngày nay


Người phu mộ đông nhất vẫn là dân Nam định, Thái bình rồi đến Ninh bình, Hải dương, Hưng yên, Hà nam, Kiến an. Cũng có ít người ở vùng Bắc ninh, Thanh hoá. Trong hoàn cảnh “Tha phương”, ngay từ hồi đó các cụ đã biết phải làm thế nào để có khối đoàn kết chống lại sự áp bức dã man của chủ. Tìm cách giúp đỡ lẫn nhau những khi trái gió, “dở giời” hoặc gặp lúc tắt lửa tối đèn, bằng cách tổ chức các Tỉnh bộ. Lớn nhất vẫn là Tỉnh bộ Nam định, Thái bình rồi đến các Tỉnh khác. Các Tỉnh bộ cũng là nền móng và là tiền thân của các Tổ chức Hội đoàn sau này.
Mục đích hoạt động của các Tỉnh bộ nhằm gây quỹ giúp đỡ những người quá túng thiếu, không nơi nương tựa. Thăm hỏi người ốm nằm nhà thương. Ma chay phúng viếng cho người quá cố. Cũng cần nói thêm rằng: ngoài sự áp bức dã man của chủ đồn điền, cai kí thì cái nghèo khó đã làm cho con người tha phương phải nghĩ đến sức mạnh của tình đoàn kết, tương thân tương ái để có một tinh thần mạnh mẽ vượt qua  được giông tố bão bùng. Thời kì đó mọi người dù khác Tỉnh, khác Làng nhưng đều là đồng hương, đồng cảnh nên đã coi nhau như anh em ruột thịt vậy.



Người phu mộ chân đăng Việt Nam làm "Cách mạng" ở Tân đảo. 
Người có dấu chữ thập đỏ là Ông Đặng Long Hưởng - Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Ái hữu VN tại Tân đảo


Rồi đến năm 1945, khi nước nhà dành được độc lập cộng với sự đấu tranh không mệt mỏi ở ngay trong các sở đồn điền, bọn chủ đã buộc phải nhượng bộ giải quyết các yêu cầu của người phu mộ theo đúng tinh thần của bản giao kèo đã kí kết. Mặt khác, một số đông đã hết hạn hợp đồng và không có tầu hồi hương bị mắc kẹt ở lại, nên đã tìm cách ra ngoài làm nghề tự do: trồng rau, may vá, xây dựng, cắt tóc, chài lưới, chạy xe tắc-xi v.v…
Đây cũng là lúc các tổ chức hội đoàn đã nhen nhúm phôi thai dựa trên nền tảng của các Tỉnh bộ. Lúc đầu thì có Hội múa rồng có tên là “Khánh hội Long vân” thành lâp năm 1943 tại đồn điền Bơ-la-đi-nhe. Ngoài Tỉnh thì có Hội đánh trống Tân thanh. Mấy tổ chức này  ít lâu sau cũng trở thành tiền thân của Liên đoàn Ái hữu và Liên đoàn Thợ thuyền VN do ông Đặng Long Hưởng lãnh đạo.

Hội Liên Việt tổ chức liên hoan Kỉ niệm Sinh nhật Hồ Chủ tịch (1958)


Ít lâu sau, do bất đồng chính kiến, đã phân chia  thành hai: Hội Việt nam Công đoàn do ông Đồng Sỹ Hứa và Hội Việt nam Cộng hoà (Liên Việt) do ông Đặng Long Hưởng lãnh đạo. Nhưng dù thế nào, tuy rằng hai Hội nhưng vẫn cùng chung một chí hướng. Trong Hội quán của hai Hội đều treo cờ đỏ sao vàng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. 



Vẫn tổ chức vui chơi các ngày Lễ hội của hai bên. Trong suốt thời kì tư 1945 đến 1964, nhiều cuộc biểu tình đình công đã nổ ra ở Vila cũng như Santo. Trong đấu tranh dù thắng lợi nhưng đã có nhiều tấm gương hi sinh cao cả cho Tự do và Công lý. Tình nghĩa đồng bào đã gắn bó cộng đồng người VN cho đến ngày bước chân lên con tầu Hoàng hậu Phương đông hồi hương về nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.



Hồ hởi phấn khởi đi đến một phương trời mới...


Sau năm 1963-1964. Sau khi đa số bà con VK đã hồi hương, Hội đoàn duy nhất còn lại  là Giáo xứ Thiên môn của người công giáo. Để duy trì được khối cộng đồng người VN ở Port Vila Tân đảo, một số bà con đã tổ chức thành lập Hội Ái hữu VN (Amicale Vietnamienne) nhằm giúp đỡ tương trợ lẫn nhau khi sa cơ lỡ vận. Đến năm 1980, Tân đảo tuyên bố độc lâp lấy tên là Cộng hoà Vanuatu. Đa số bà con đã chuyển sang sinh sống tại Tân Thế giới (New Caledonia). Và Ái hứu cũng dần dần đi vào quên lãng… Cho đến tận năm 2000 mới được nhen nhúm trở lại. 


 Ông Đỗ viết Thử và Ông Phạm Văn Thấu là những người đã 
tổ chức lại Hội Ái hữu VN tại Tân đảo (1965-1985)

Như vậy, sau 50 năm, kể từ ngày bà con Việt kiều Tân đảo hồi hương đến nay, ở Thủ đô Port Vila tên tuổi của các Tổ chức Hội đoàn của người Việt nam đã dần dần phai  mờ theo thời gian và năm tháng. Mà thời gian thì trôi nhanh, năm tháng cũng qua nhanh…
Nghe câu chuyện kể của bà con còn ở lại Tân đảo, thì việc các Hội đoàn bị phân rã cũng có những nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó. Trước hết là số bà con Việt kiều còn trụ lại nơi đây ít quá, nhất là sau khi Tân đảo tuyên bố độc lập trở thành Cộng hoà Vanuatu. Hầu hết bà con đã gia nhập quốc tịch Pháp di chuyển sang Tân Thế giới sinh sống. Và đất nước này trở thành một « hợp chủng quốc » cũng là điều tự nhiên dễ hiểu




Với số ngưới gốc Việt thế hệ chân đăng trên dưới 100 người. Nói chung con cái của họ buộc phải lấy vợ hoặc chồng Tây, Tầu, da mầu. Ước tính những người con lai mang hai, ba dòng máu đến nay cũng khá đông. Khoảng trên dươi 500 người. Những người già lần lượt ra đi. Con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba đã bị phân hoá cả về tư duy cũng như nếp sống hàng ngày. Mặc dù Họ không còn nói được tiếng Việt nữa. Nhưng bù lại, khoản tiết canh lòng lợn, cà mắm tốm hay giò lụa Họ vẫn khoái…
Hỉ hữu, có trường hợp bà con  gặp nhau ở đường, chuyện trò rôm rả tiếng Việt. Bất chợt có người Pháp hoặc Anh đi qua, thì lập tức chuyển ngay câu chuyện dở dang sang tiếng Pháp. Hình như họ xấu hổ và sợ người nước ngoài nhận biết mình là người gốc Việt thì phải. Họ không nghĩ rằng cái « mũi tẹt » xinh đẹp và cái mầu da vàng dễ thương của mình chẳng dấu đi đâu được…



Nói thế thôi, chứ sau thời gian im hơi lặng tiếng trên dưới 20 năm, đến năm 2001, Ái hữu VN hoạt động trở lại và đã tổ chức buổi giao lưu thi đấu Thể thao giữa anh chị em VK Tân Caledonie và Vanuatu diễn ra sôi nổi tại ri-sợt Bờ-lu Kích-tờn (Blue Crystal Resort). Thật là sôi nổi và náo nhiệt. Nào là thi đấu pê-tăng (pétanque), bóng chuyền, lại cả bóng đá nữa. Dân bản xứ tham gia với vũ điệu “đón chào khách quý”, sôi nổi đến cao độ mà những ai yếu bóng vía cũng có thể ngất xỉu. Rồi thưởng thức các món ăn địa phương như món Tu-lúc, lạp lạp Va-tù, bu-nhà Ca-lê, thịt bò non quay cả con vàng rộm và thơm phức nóng hổi trên đống than hồng, ai thích ăn phần nào cứ tuỳ nghi phục vụ.

Thủ tướng Ham LINI đón tiếp Ngài NGUYÊN Phú Bình


Rồi sau đó Ái hữu đã tổ chức đón tiếp long trọng các vị Đại sứ VN từ Canberra Úc sang Vanuatu trình Quốc thư như các Ngài Vũ Chí Công, Nguyễn Thanh Tân, Hoàng Vĩnh Thành, Lương Thanh Nghị. Và lần đón tiếp trọng thể nhất là chào mừng Phái đoàn Bộ Ngoại giao VN do Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình với 11 thành viên sang thăm chính thức nước Cộng hoà Vanuatu năm 2007.




Chưa hết. Đoàn làm phim của đài Truyền hình TSF Thành phố HCM, do các ông Nguyễn Hồ và Đào Anh Dũng dẫn đầu tới Vanuatu đã làm sôi động khí thế của cộng đồng người VN tại đây. Bộ phim tư liệu 30 tập về “Ký sự Tân đảo – Caledonia/Vanuatu đã nêu được ít nhiều thực tại cuộc sông của người VN trước và sau thời kỳ nô lệ tại Tân Thế giới – Tân đảo.




Tiếp đó, hồi tháng 9 năm 2009, Hội Ái hữu và Công giáo VN tậi đây đã tổ chức long trọng chào mừng phái đoàn 50 thành viên Hội Ái hứu Tân đảo và bạn hứu tại Tân Ca-lê-đo-ni do bà Chủ tịch Nguyễn Thị Nhuần dẫn đầu. Lúc bấy giờ ai cũng nghĩ là Cộng đồng người VN sẽ thống nhất về một mối. 


 Ngày 19/9/2009. Đại hội AVV - ACVV và AVNHA (Ái hữu VN tại Vanuatu - Hội Công giáo VN Tại Vanuatu và Hôi Ái hữu Tân đảo và bạn hữu tại NC)
Nhưng thật đáng tiếc. Sau cuộc gặp gỡ giao lưu đình đám ấy, không ngờ cũng là tiếng chuông nguyện cuối cùng, dẫn đến cảnh phân rã hoàn toàn. Cánh cửa Nhà Thờ Giáo xứ Thiên môn đã bị khép kín. Hội Ái hữu cũng không còn hoạt động, kể cả ngày Tết Nguyên đán cổ truyền…
Thật vô cùng nuối tiếc cho những di sản quí giá mà Cha Ông trước đây đã dầy công gây dựng. Có người đã tự an ủi với tình thế hiện nay như thế này: “Thôi mà! Gìn giữ được cái “di sản” của sự đoàn kết cộng đồng của người Việt ở đây trong suốt 50 năm qua như thế là đã “tốt” và “đủ” lắm rồi, còn mong gì hơn nữa. ConTạo xoay vần. Hợp rồi lại tan. Tan rồi lại hợp. Cái vòng luẩn quẩn ấy lúc nào chả có? Cái thăng hoa đã hết, sự trầm lặng mới chỉ bắt đầu… Tất nhiên là lớp Trẻ vẫn mong chờ một ngày nào đó, họ có cơ hội làm tiếp công việc mà cha chú đang bỏ dở hôm nay…

Nơi tôn nghiêm đã thực sự vắng bóng người

Một điều kì diệu đã đến với Hội Công giáo. Đang trên đà bị bỏ hoang hoàn toàn thì Nhà thờ Công giáo mang tên Cửa Thiên đàng (Porte du Ciel) đã bị cơn bão PAM khủng khiếp ngày thứ sáu 13 tháng 5 năm 2015 tàn phá, gây thiệt hại nặng nề. Ngôi nhà của Cha bên cạnh cũng chung số phận. Thật kì lạ là trong suốt thời gian Nhà thờ được xây dựng từ năm 1954 đến nay, trải qua bao nhiêu trận giông bão và động đất kinh hoàng, mặc dù đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng Nhà thờ vẫn đứng vững. Sau 60 năm tồn tại, lần đầu tiên bị siêu bão PAM làm hư hỏng nặng. Vừa đúng lúc một ban chấp hành mới của Hội Công giáo được thành lập do ông Michel DO làm chủ tịch. Sau đúng 6 năm im hơi lặng tiếng, ban chấp hành mời đã tiếp nhận một cơ ngơi thật bi thảm trong điều kiện ngân sách không còn một xu.




Thế là ông Michel DO và ban chấp hành mới đã đi kêu gọi lòng hảo tâm của các hội viên và giáo hữu. Đức cha và giáo xứ địa phận Port Vila cũng như Giáo hội Christ Roi tại Noumea và Hội Ái hữu Tân đảo và bạn hữu tại NC đã rộng lòng giúp đỡ số tiến khá lớn. Công việc đầu tiên là sửa chữa nhà Cha để cho thuê. Đồng thời Nhà thờ đã bắt đầu được sửa chữa từng phần. Trong vòng mấy tháng liền, công việc sửa chữa đã cơ bản hoàn tất và Tết Bính Thân năm 2016 Nhà thờ đã mở cửa trở lại. Đến nay vì không có tiền để tiếp tục duy tu bảo dường, nên Hội đã buộc phải cho thuê tầng  trên của Nhà thờ cho một chi hội Công giáo nước ngoài thuê. Làm như vậy, vừa giữ gìn được di sản văn hóa, vừa có tiền để duy tu sửa chữa Nhà thờ.

Từ năm 2016 đến nay, năm nào Nhà thờ cũng tổ chức Tết Nguyên đán cổ truyền. Khách đến dự gồm nhiều thành phần, có cả những gia đình không theo đạo công giáo. Nhưng đã tạo được không khí ấm cúng trong lòng mọi người. Nhất là luôn được nghe tiếng giảng kinh và thánh ca trong Nhà thờ. Và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho bà con Việt kiều ít nhất cũng gặp gỡ nhau một lần trong năm vào dịp Tết.




Nước chẩy bèo trôi… Một số bà con người Việt thấy buồn đã xin gia nhập Câu lạc bộ Tầu gọi là Chinese Club. Thường cứ tối thứ bẩy là họ  tổ chức vui chơi  ăn uống, nhẩy nhót. Mấy người Tầu họ đoàn kết thực sự. Trong công việc làm ăn họ có thể có những bất đồng lớn. Nhưng  sinh hoạt cộng đồng thì họ vui vẻ, mọi chuyện riêng tư gác lại một bên. Chín bỏ làm mười! Cùng nhau vui cái đã !
Bâng khuâng… Chợt nghe đâu đó có người ngâm nga:
“Thà răng chẳng biết cho xong,
Biết bao nhiêu lại càng mủi lòng bấy nhiêu”…





Tác giả BLOG Tân đảo Xưa và Nay xin chân thành cảm ơn quý vị ghé thăm và chia sẻ.
Xin chào và chúc bà con, anh chị em và quý bạn luôn luôn
MẠNH KHỎE, AN KHANG, HẠNH PHÚC.