BẢN TƯỜNG TRÌNH
Về hội thảo bàn tròn
Jean Van Son trích dịch từ bản tiếng pháp
Và lên trang Blog
LỜI NÓI ĐẦU
Lần đàu tiên một sự kiện quan
trọng đã diễn ra ở ngay thủ đô Port Vila nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập nước
Việt nam. Đó là Lễ khai mạc triển lãm hình ảnh kỉ niệm 100 năm
sự hiện diện của người phu mộ VN tại Tân đảo tổ chức vào ngày 1/9/2020. Đây là một vinh dự lớn dành để tôn vinh trang sử vẻ vang của các Cụ Phu mộ xưa kia. Đồng thời cũng là vinh dự dành cho cộng đồng người VN tại Vanuatu nói riêng và là vinh dự chung của tất cả quý ông bà anh chị em nguyên VK Tân đảo hiện còn đang sinh sống ở Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới.
Ngay sau Lễ khai mạc triển lãm là Cuộc Hội thảo bàn tròn tở chức vào đúng ngày Quốc khánh 2/9/2020 tại Trường Đại học Quốc gia Vanuatu. Chúng ta lại có thêm được một vinh dự lớn được chứng kiến một sự kiện vô cùng quan trọng nữa từ trước đến nay chưa bao giờ có trên đất nước này. Một dịp tốt để chúng ta có thể chia sẻ với người dân Vanuatu cũng như cộng đồng các kiều dân đang sinh sống tại đây được biết và hiểu rõ hơn về người phu mộ VN và con cháu của họ tại Tân đảo xưa.
Tác giả Blog mong muốn tóm lược diễn biến của buổi tọa đàm này để cùng quý vị và bạn đọc tham khảo.
Dinh Van Thân và Jean Van Jean.
2/9/2020. Hội thảo bàn tròn tại
Trường Đại học quốc gia Vanuatu do ông Jean Pierre NIRUA làm Hiệu trưởng.
* Ông Georges CUMBO – Tham tán
phụ trách Văn hóa của ĐSQ Pháp tại Vanuatu đọc diễn văn khai mạc. Nói rõ ý
nghĩa về cuộc hội thoại hôm nay.
* Ông Francis BRYARD – Giáo sư lịch
sử tại Bộ Giáo dục đào tạo Vanuatu đọc lời thuyết trình về ý nghĩa của việc tọa
đàm kỉ niềm 100 năm sự hiện diện của người lao động VN tại Tân đảo – Vanuatu.
* 40 phút dành cho ông JVJ tham
luận về kí ức từ 1920 đến 1963.
* Ông Đinh Văn Thân tham luận.
* 10 phút dành cho ông JVJ tham
luận về thời kì hồi hương về VN và trở lại định cư ở Vanuatu.
* Ông JVJ và ông Thân trả lời
các câu hỏi của các khách mời.
* Ông Francis BRYARD đọc lời cảm
ơn và kết thúc hội thảo.
* Khách tham dự: Các thầy cô
giáo, các sinh viên và khách mời.
* Chụp ảnh lưu niệm.
(40 phút dành cho bài tham luận của JVJ )
Thưa quý bà, quý ông,
Trước hết, JVJ xin chào mọi
người và xin trân trọng cảm ơn quý Ông Georges Cumbo tham tán ĐSQ Pháp tại
Vauatu và quý ông Francis Bryard – Giáo sư lịch sử Bộ Giáo dục Vanuatu về việc
tổ chức cuộc hội thảo về Kỉ niệm 100 năm sự hiện diện của người hu mộ VN tại Tân đảo (1920-2020). Cuộc hội thảo hôm
nay gắn liền với việc tổ chức triển lãm hôm qua về hình ảnh người phu mộ VN tại
Cơ quan liên lạc Văn hóa của ĐSQ Pháp ở Port Vila.
Chúng ta có thể đánh giá đây
là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng có một không hai và cũng là dịp để
chúng ta có thể ôn lại quá khứ về trang sử của người phu mộ VN xưa cũng như sự
tiếp bước của con cháu hậu duệ hiện nay trên mảnh đất này.
Xin được phép tự giới thiệu:
JVJ là một người con thế hệ hai của một gia đình phu mộ nghèo có mặt sơm nhất ở
Tân đảo từ những năm 1924. Nhiều người biết tên Jean van Jean trên trang mạng
FB và Jean Van Son trên Blog Tân đảo xưa và nay và ông Giăng ở Cửa hàng cây vải
đại lộ Cô-lạc-đâu. Biết chút ít tiếng Pháp, Bislama và tiếng ăng-lê. Và tất nhiên là biết tiếng Việt.
Muốn biết về Tân đảo, chúng ta cùng xem bài viết của bà Frederique Tailhade nói về “Sự thôn tính Tân đảo làm thuộc địa và người dân đến từ Đông dương” có đoạn viết như sau: “Đất nước Tân đảo do chính người phu mộ Bắc kì xây dựng nên”. Và chính vì nhận thấy bài viết của bà tập trung nhiều về đời sống sinh hoạt của người phu mộ VN, nên JVJ đã lược dịch và đăng tải nhiều kì trên trang Blog của minh. Hiện Ban quản trị Blogger thống kê có khoảng gần 300 ngàn lượt người đọc và theo dõi thường xuyên trên Blog Tân đảo Xưa và Nay.
Phần một. Những chuyện từng nghe kể hoặc đọc trên báo chí.
(Trích đoạn đăng tải trên báo chí công khai của Tân Caledonie đến tận
1945.Về các điều khoản kí kết trong bản hợp đồng lao động ở Tân đảo)
... Mỗi người cu-li phải kí hai bản hợp đồng thời hạn 5 năm. Một tiếng
Pháp, một bản tiếng Việt. Lương bổng hàng thàng là 12 đồng bạc (80 quan) cho
nam giới và 9 đồng (60 quan) với một phụ nữ. Hạn chế cứ 5 đàn ông mới có 1 phụ
nữ.
Trẻ em dưới 15 tuổi chưa đủ tuổi lao động đi theo bố mẹ, ông chủ chịu
trách nhiệm đài thọ. Từ 15 đến 16 tuổi nếu đi làm, con trai được trả lương 6 đồng
bạc (40 franc). Từ 17 đến 18 tuổi hưởng
10 đồng bạc. Con gái cùng lứa tuổi sẽ lĩnh theo trình tự 3, 5, 7 đồng bạc/tháng.
Để tránh tình trạng người lao động xài hết tiền, người chủ trích lương
hàng tháng để bỏ vào quỹ tiết kiệm. Lương đàn ông trích 2 đồng bạc. Lương đàn
bà trích 1 đồng bạc gửi vào quỹ tiết kiệm. Sau khi hết hạn 5 năm, ngoài tiền
lương, người công nhân còn có khoản tiền tiết kiệm để mang về quê quán.
Người chủ phải dài thọ tiền ăn, nhà ở, khám chữa bệnh và thuốc men trong
suốt thời hạn 5 năm hợp đồng. Lương thực và thực phẩm phải hợp khẩu vị của người
lao động. Khẩu phần ăn hàng ngày đối với người lao động trưởng thành: 250g bánh
mì, 500g gạo, 200g thịt tươi, 400g cá tươi, 300g rau xanh (hoắc 150g rau khô),
20g muối, 5g trà khô. Đối với trẻ em từ 12 đến 15 tuổi được hưởng 3 phần tư khẩu
phần người lớn. Đối với trẻ dưới 12 tuổi được hưởng một nửa. Đối với trẻ nhỏ và
sơ sinh, chủ phải cung cấp ba ngày 1 hộp sữa, 100g gạo và 100g bánh mì. Đối với
người mẹ thiếu sữa, mỗi ngày được cấp 1 hộp sữa 400g không phải trả tiền.
Nhà ở phải tươm tất thoáng mát, phải có chỗ nằm ngủ cao cách mặt đất khoảng
50cm và phải sẵn sàng để đáp ứng cho người làm khi họ mới đến.
Chủ cũng phải cung cấp đầy đủ quần áo bảo hộ lao động. Nam giới: 1 cái
chăn, 2 bộ quần áo. Phụ nữ: 1 chăn, 2 cái yếm che ngực, 2 bộ quần áo mầu đen. Mỗi
người đều được phát thuốc kí ninh và màn tuyn chống muỗi. Phải có một nhà nuôi
dướng trẻ và một người bảo mẫu.
Thời gian làm việc trong ngày quy định là 9 tiếng. Nghỉ ngày chủ nhật.
Các ngày Lễ Tết được nghỉ và hưởng lương như ngày đi làm. Người phụ nữ chỉ được
phép làm công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân người đó.
Sau khi hết hạn 5 năm, chủ phải đài thọ chi phí tiền tầu hồi hương cho
người cu-li và gia đình của họ trở về quê quán. Việc hồi hương phải được thực
hiện trong vòng 6 tháng sau khi hết hạn hợp đồng.
Người cu-li đi trên tàu phải được đảm bào sức khỏe và hưởng mọi quy chế
như một khách du lịch.
... Than ôi! Sự thật trên các đồn điền ở Tân đảo đã diễn ra trái ngược với điều khoản quy ước của hợp đồng đã được kí kết.
Sự thật diễn ra tại các đồn điền.
Thời gian làm việc quy định là
9 tiếng nhưng làm theo mức khoán. Có nghĩa là trong vòng 9 tiếng người cu-li phải
hoàn thành được một số công việc nhất định. Ví dụ: trong công việc bổ và nậy
cùi dừa lúc đầu chủ giao khoán là 180 kilo cùi dừa. Nhiều công nhân làm vượt mức
chỉ tiêu. Thế là mức khóan tăng dần lên 250 kg, 300 kg và thậm chí có nơi lên tới
400 kg. Công nhân phải làm tăng giờ cho đủ mức khoán. Từ 9 gờ tăng lên 10 và thậm
chí 12 tiếng. Nhiều công nhân không đạt mức khoán đã bị trừ lương hoặc bị roi vọt.
Sau này họ đã nghĩ ra cách làm ăn tập thể và phân công hợp lí nên họ đã đạt được
mức khoán chỉ trong 9 tiếng. Nhưng không cải thiện được đời sông hàng ngày vì
thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thiếu thuốc men. Chăn màn không được cấp. Bị ôm
không có thuốc men. Trong môi trường khí
hậu á nhiệt đới ẩm thấp, nguy hại nhất đối với người lao động trong rừng là bị
muỗi a-nô-phen tấn công. Không thuốc gì chữa khỏi ngoài việc uống thuốc hoặc
tiêm kí ninh. Nhưng có người uống nhiều kí-ninh quá tai bị ù và điếc.
Đến năm 1930, cả xứ Tân đảo mời có một bệnh viện ở Port Vila và một trạm y tề ở Santo. Việc vận chuyển cho các đảo rất khó khăn vì thiếu phương tiện vận tải.
Về đời sống sinh hoạt của các điền chủ.
Hồi đó, ngoài một số ít điền chủ có khả năng về tài chính thì cuộc sống đỡ vất vả. Còn lại đa số điền chủ mới đến lập nghiệp phải vay nợ ở Ngân hàng thì đời sống của họ cũng cực kì khó khăn. Ví dụ: một chủ đồn điền vay số tiền ở Ngân hàng khoảng trên dưới 50.000 franc. Nếu làm ăn tích cực tháo vát thì cũng phải 5 hoặc 6 năm sau mới thanh toán hết nợ Ngân hàng. Một số điền chủ đã bị phá sản.
Trong cuốn sách “Thiên đàng và địa ngục của giới chủ thực dân”, ông Bonnemaison đã viết: “Công việc khai thác đất đai ở Tân đảo chỉ dành riêng cho những ai có đầy đủ ý chí sắt thép, sức mạnh và lòng quả cảm” mà thôi. Họ thiếu thốn đủ mọi thứ. Bệnh sốt rét rừng luôn đe dọa. Khi họ lập gia đình, cô vợ người âu nọ kêu ca suốt ngày về khí hậu ác nghiệt, ăn uống kém dinh dưỡng, bệnh nhiệt đới và sự chết chóc luôn rình mò ở các xó xỉnh. Nhiều gia đình đã bị mất mát nhiều đứa con do mắc bệnh nhiệt đới. Các gia đình như Xa-puy, Ra-tà, Đờ điêu, Ga-nê v.v... đều lâm vào cảnh tang tóc chỉ vì thiếu thuốc thang. Đến tận năm 1930, cả hòn đảo Santo rộng lớn mới có một trạm y tế nhỏ xíu. Thế mà, cũng đã có khá nhiều điền chủ thành đạt. Họ đã tăng nhanh diện tích đất đai canh tác. Có người đã tăng diện tích lên tới 10 lần lúc ban đầu. Tại sao? Họ nhờ chủ yếu vào bàn tay lao động của người dân phu mộ Bắc kì”...
Gia đình ông bà Cai Son đến Tân đảo như thế nào?
1924. Xuất thân từ bần nông
không tấc đât thuộc tỉnh Nam định đông dân quanh năm lũ lụt. Ông bà Cai Son đã
may mắn được tuyển mộ đi Tân thế.
Sau hơn ba tuần lễ lênh đênh
trên biển khơi, con tầu mang tên Xanh Phăng-xoa Xa-viê chuyên chở hàng và số
cu-li Bắc kì từ Hải phòng cũng đã cập bến Noumea. Sau đó, số cu-li dành cho Tân
đảo đã được chuyển sang con tầu “La Bê-rui” (La Pérouse) từ Noumea về Port
Vila. Như vây ông bà Cai Son và cô con gái đầu lòng đã đặt chân lên mảnh đất
Tân đảo năm 1924. Những ngày mới đến được tập trung 10 ngày ở khu cách ly dịch
tễ trong trại đề-bô ở Port Vila. Đến đây các cụ được thay tên bằng chiếc thẻ có
chữ số. Cụ Son mang số 28 NH. Cụ bà số 29 và cô con gài số 29bis. Các cụ là người
Bắc kì cho nên Tây gọi là tông-ki-noa.
Sau thời gian cách ly các cụ đã được phân bổ về làm viêc tại khu đồn điền Bê-lốc Túc-Túc ở gần Bô-li-giáp. Thời đó không có đường sá. Chỉ có con đường mòn dùng cho xe ngựa hoặc xe bò. Đường gồ ghề len lỏi qua các khu rưng rậm rạp gai góc. Ông bà Cai Son may mắn hơn nhiều khác bị phân chia đi lao động ở các đảo xa xôi hẻo lánh trong điều kiện vô cùng khổ sở.
Có người đạt câu hỏi: Tại sao gia đình cụ Cai Son đến Tân đảo năm 1924
mà đến năm 1963 mới hồi hương?
Xin thưa với quý vị rằng: Không
riêng gì cụ Cai Son mà có nhiều gia đình khác như cụ Tiểu, cụ Sinh gù v.v... phải
tái đăng kí với nhiều lí do khác nhau.
Có người bị nợ tiền của chủ, có người muốn định cư lâu dài ở xứ sở này.
Các cụ vẫn còn may mắn, vì nhiều
người đã bị phân chia đi đến các đảo xa xôi hẻo lánh như Ê-pi. Ma-la-ku-là,
Santo v.v... Các đảo ở xa chính quyền sở tại, nên chủ đồn điền đối xử với người
cu-li theo luật rừng của họ.
Đến bây giờ không còn nghe thấy danh từ cu-li. Vậy cu-li là gì? Hồi xưa ở Đông dương người ta thường gọi những phu khuân vác nặng nhọc hoặc làm việc linh tinh là cu-li (coolie). Những người được sinh ra ở Tân đảo xưa thường mệnh danh là bù-rầu (bourao). Sự tích kể rằng: khi sinh con vì không có nhà giữ trẻ như trong hợp đồng, nên bà mẹ phải dùng bao tài làm võng buộc trên cành cây bu-rầu có buộc sẵn sợi giây. Bà mẹ làm việc ở gần đó vừa làm vừa kéo võng cho con ngủ. Đã có trường hợp trẻ nhỏ bị kiến đốt sưng tấy cả người.
Công việc làm hàng ngày của người cu-li phu mộ.
Ở Tân dảo, công việc làm hàng ngày của một cu-li là dùng sức của đôi tay khai phá rừng hoang bằng dao, bằng búa rìu để lấy đất canh tác. Trồng cây công nghiệp như dừa, cà-phê, ca-cao, bông sợi. Trồng ngô khoai sắn. Chăn nuôi bò, lợn và các loại gia cầm. Ngoài ra còn trồng rau, xây dựng nhà cửa, lán trại và các việc linh tinh khác.
Người VN đến Tân đảo từ bao giờ và tại sao?
Theo dòng thời gian, trên thực
tế người VN có mặt ở Tân đảo sớm hơn nhiều. Vào quãng năm 1900. Họ là những người
trong số gần 900 phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù Côn đảo. Đến năm 1891, con tầu
mang tên Xê-ri-bông đã chuyên chở và lưu đầy họ sang Noumea Tân Caledonia và
làm viêc khổ sai trong các cơ sở sản xuất và khai thác quặng ni-ken tại min mỏ.
Thời kì đó họ nằm trong lực lượng nhân công phạm pháp. Một số được thuyên chuyển
sang Tân đảo làm việc khổ sai trong các cơ sở của chính quyền địa phương. Từ
năm 1911 đến 1919, một số vụ án liên quan đến những người này đã được ghi nhận
về tội danh bán rượu lậu cho người dân bản xứ.
Trích đoạn phiên tòa tại Toà án hỗn hợp xử án và tuyên phạt như sau:
...“Căn cứ vào biên bản ghi ngày 1/9/1913, Nguyen Van Hoi
đã khai nhận buổi sáng 14/8/1913, có bán nửa lít rượu Rhum cho tên Sam hay
Frond người Santo (Tân đảo), sinh sống tại Port Vila với số tiền là 2 si-linh
tiền Anh (tương đương 2 franc 50 xăng-tim tiền Pháp).
Căn cứ vào biên bản của ông Chánh cẩm và lời khai của thủ
phạm ngày 21/04/1911 về sự việc xẩy ra tương tự, sẽ thi hành án theo luật định
đối với thủ phạm. Do đó Toà tuyên phạt Nguyen Van Hoi 50 franc và 3 ngày tù
giam cộng với tất cả chi phí liên quan.
Bản án mang số 219 ngày 9/09/1913.
Trích đoạn bài viết đăng tải trên báo “Niên giám thuộc địa”
Từ năm 1919-1920, tình hình trở nên cực kì nghiêm trọng. Công viêc khai
phá rừng hoang lấy đất canh tác đã xong
nhưng chưa phải đã hoàn tất. Vì công việc khai thác thành quả trên nhứng khu đất
đó mới là điều quan trọng. Cần phải có nhân công đầy đủ và cần thiết để thu hoạch
dừa, bông, cà-phê, ca-cao, ngô khoai sắn đúng thời vụ. Rồi phải có nhân công để
chăm sóc các diện tích đất canh tác. Sự xâm nhập của cỏ dại và cây rừng sẽ làm
cho người chủ phá sản nếu không có một lực lượng công nhân duy tu chăm sóc.
Việc đi tìm và tuyển mộ nhân công địa phương là một vấn đề gần như khó
có thể thực hiện dẫn đến tình trạng công cuộc khai thác đất đai bị phá sản. Nếu
để tình trạng kéo dài thì công sức khai phá rừng trong 40 năm qua của các điền
chủ người Pháp nhằm tô vẽ cho sự vẻ vang của nước Pháp sẽ trở thành vô tác dụng.
May thay, chính lúc này một điền chủ người Pháp đã có sáng kiến đi tiên phong
trong việc đàm phán với các nhà lãnh đạo
xứ Đông dương giải quyết vấn đề nhân công quý giá phục vụ cho việc thôn tính
thuộc địa lớn lao sau này.
Năm 1919, Ngài Guyon Toàn quyền Pháp tại Thái Bình dương, đã thực hiện được yêu cầu của các điền chủ và doanh nhân địa phương sau khi đạt được thỏa thuận với Ngài Toàn quyền Đông dương, cho phép tuyển mộ nhân công từ Bắc kì. Ngay từ năm 1920, điền chủ Lăng-xông đã tự mình về Đông dương tuyển mộ trực tiếp người lao động Bắc kì cho đồn điền của ông ở đảo Ê-pi. Sau đó việc tuyển mộ đã chính thức công khai. Một văn phòng tuyển mộ nhân công người Bắc kì đã được đặt tại Hà nội. Một số điều luật cho việc tuyển mộ công nhân đã được ban hành và việc chuyên chở phu mộ đi nước ngoài do doanh nghiệp Ba-lăng tại Tân thế giới đảm nhận bao thầu.
Những sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ tại Tân đảo:
1911-1919. Tòa án hỗn hợp tại Port Vila đã xử nhiều vụ việc do người Bắc-kì vi phạm và chủ yếu là bán rượu lậu cho người dân bản xứ.
1920. 57 người phu mộ Bắc ki đầu
tiên đến Tân đảo theo hợp đồng lao động chính thức do điền chủ Lăng-xông đảo
Ê-pi tuyển dụng.
1924. Ông bà Cai Son và con gái
đến Tân đảo làm việc ở Sở Bê-lốc.
1929. 4 người phu mộ Bắc kì tổ
chức sát hại tên chủ Xơ-va-liê ở Malo Pass đảo Santo bị kết án tử hình và chuyển
sang giam giữ ở Noumea.
1931. Tầu La Perouse đã chở 6 tử
tù người Bắc kì với cỗ máy chém từ Noumea về Vila. Ngày 28/7/1931, xử tử hình bằng
máy chém 4 tử tù liên quan trực tiếp đến vụ án Malo Pas và 2 tử tù khác, tại trại
lính Bảo an Pháp Port Vila.
1924-1935. Do nợ nần chủ, nên ông bà Cai Son đã buộc phải kí kết thêm hai khóa (5+3+3). Sau đó, được tự do đổi chủ và làm vườn cho ông chánh cẩm Rô-xi Phăng-xoa gần trại lính Tây ở Port Vila.
Những điều tai nghe, mắt thấy:
1942. Do sức khỏe yếu nên cụ Cai
Son đã xin thôi việc và chuyển gia đình về khu Máy Cà-phê sinh sống. Khoảng
tháng sáu, quân đội hùng mạnh của Hoa kì bắt đầu đổ bộ lên Port Vila,
Luganville Santo và Lenakel Tanna của Tân đảo. Cuộc đổ bộ nhằm ngăn chặn quân đội
Nhật bản từ Solomon tràn xuống phía Nam. Sự hiện diện của quân đội Mỹ đã làm
thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế chính trị trên đất nước Tân đảo. Đồng thời
đã cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây nhất là đối với người phu
mộ VN. Người ta kinh ngạc về sự thay đôi bộ mặt của đất nước này chỉ trong vòng
mấy ngày. Lần đầu tiên nhìn thấy máy bay, tầu chiến, tầu ngầm. Lính tráng súng ống
đầy người.
1943-1945. Bà Cai Son làm công việc
giặt là quần áo cho lính Mỹ đóng quân trong khu vực Máy Cà-phê. Công việc chính
của bà là dẫn con cái đi bới nhặt ở bãi rác. Những thứ gì tốt thi người ăn, còn
lại để nuôi ngan gà. Lần đầu gặp lính Mỹ cũng thấy bình thường. Vì lính da trắng
cũng giống Tây, lính đen cũng giống người bản xứ. Nói chuyện với họ bằng tiếng
đen bích-la-mà (bislama) họ cũng hiểu thì thích lắm. Bọn trẻ con lúc đó cứ nghĩ
là mình biết nói tiếng ăng-lê vì không hiểu rằng tiếng bích-la-mà có nguồn gốc
từ tiếng Anh. Một thứ tiếng anh bồi. Bọn lính cũng tốt. Chúng thường cho kẹo
xo-cô-la và xing-gồm. Thỉnh thoảng ba má làm phở cho ăn, lính Mỹ khen ngon và rất
thích.
Tháng hai 1946. Lần đầu tiên ba dẫn đến
trường Việt nam để nhập học. Trường này nằm phía sau cửa hàng thuốc Tây cùng một
dẫy nhà. Từ nhà đến trường khoảng 2 km. Mỗi ngày đi về 4 lượt. JVJ chỉ mỗi một
quần soóc và áo thun 3 lỗ. Được cái, nhà sát mép biển nên ngày nào cũng bơi lội
suốt. Bởi vậy có nước da đen sạm.
30/6/1946. Lần đầu tiên ba dẫn đi
xem Lễ kéo cờ đỏ sao vàng ở trung tâm Thành phố. Cảm thấy lạc lõng trong rừng
người hô khẩu hiệu và múa rồng, sư tử trong nhịp trống và thanh la nạo bạt. Lần
đầu được nghe hát quốc ca khi kéo cờ. Nhạc quốc ca Pháp, lời hát tiếng Việt. Cờ
VN đứng giữa, hai bên là cờ Pháp và cờ Ăng-lê.
26/9/1946. Cụ Cai Son từ trần tại
nhà thương ăng-lê đảo Iririki.
1/1/1947. Cụ Đặng Long Hưởng (1909-1947), Chủ tịch
Liên đoàn Ái hữu từ trần vì tai nạn xe ô-tô ở dốc Creek-Ai gần quân cảng Port
Havannah tây bắc đảo Efate.
20/1/1947. Chuyến tầu hồi hương đầu
tiên do tầu Vin-đa-miêng thực hiện, chở 550 người lớn và trên 200 trẻ em về Hải
phòng. Khu đề bô Thiên lập tập trung những
người chuẩn bị hổi hương đến từ đảo Malicolo và các đảo lân cận.
Tháng 5 1947. Tổng đình công, bãi thị
bãi khõa do Hội Việt nam Công đoàn tổ chức kéo dài 7 ngày, với mục đích đòi tầu
tiếp tục hồi hương. Hàng ngàn người tham gia biểu tình suốt dọc đường từ trại
lính Bảo an Tây lên Văn phòng Chánh sứ. Cuộc biểu tình rầm rộ khiến người Pháp
quan ngại một cuộc nổi lọan.
Để đàn áp cuộc biểu tình, chính
quyền Noumea đã cấp tốc phái tầu tuần dương hạm Dumont d’Urville chở trên 200
lính thủy đánh bộ về Port Vila, Malicolo và Santo thi uy. Kết quả là chính quyền
địa phương cam kết sẽ giải quyết thỏa đáng mọi yêu cầu.
Tháng sáu 1947. Bất ngờ chính quyền địa
phương do Chánh sứ Kuter đích thân chỉ huy, đã đột nhập vào trụ sở Việt nam
Công đoàn ở Tagabe và khám xét nhà Cụ Đồng sỹ Hứa. Họ thu giữ các tài liệu ,
máy chứ, máy in Roneo, cờ quạt, ảnh chân dung lãnh tụ và bắt giam cụ Hứa. Chính
quyền địa phương ban hành lệnh khẩn cấp và thiết quân luật.
25/8/1947. Thực hiện lời hứa, chính quyền địa phương tổ chức chuyến tầu hồi hương thứ hai cũng do tầu Vin-đa-miêng chuyên chở trên 500 người lớn và hơn 300 trẻ em. Với mục đích là trục xuất gia đinh ông Hứa và toàn thể ban lãnh đạo Công đoàn về Hải phòng. Sau đó tình hình ở Port Vila và Santo đã trở lại bình yên.
Hoạt động của các nhà buôn nhỏ VN từ 1950 đến 1963:
Có lẽ cửa hàng tạp hóa của người VN đầu tiên ở Port Vila là hiệu ông bà Sinh gù. Sau đó có cửa hàng lớn hơn của ông Long Tỵ. Cửa hàng thầy giáo Quế. Cửa hàng ông Tư điên ở Máy Cà phê. Cửa hàng ăn uống đầu tiên của người Việt là "La Pagode" của ông Tuân. Ông Tám máy cà-phê.Trong Tagabe có cửa hàng của ông Bang. Lò sản xuất bánh mì tây đầu tiên của người việt là của cụ Tiểu ở trại số 2 Tagabe. Bánh mì của cụ ngon không kém gì các lò mánh mì của người Tây như Mi-tít, Ả Bô v.v... Tiếp đến là các cửa hàng may mặc. Đầu tiên là gia đình ông Thông ở khu phố Tầu, ông Cáp ở giáp với Hãng Bi bi. Rồi đến cửa hàng ông Kí leo giây, ông Củng, ông Bối, ông Khải Thìn Máy Cà-phê.
Cửa hàng cắt tóc đầu tiên là của ông Tựa ngay cửa hàng Gubbay. Cắt tóc rong có các ông Huấn, ông Thấu. Sửa chữa đồng hồ có ông Tịnh ở Tagabe, ông Tịch ở Vila. Thợ vàng có ông Lưu kim Trình. Làm xây dựng có ông Tích bò, ông Sính. Làm thầy giáo có các thầy Bùi Gia Dzự, Nguyễn hữu Đăng, Nguyễn Trọng Quế, Nguyễn hữu Đáp, Đỗ Tích Lễ, Lê hữu Bỉnh, Trần bích Ngọc, Vũ văn Than, Đặng viết Thế v.v... Đông nhất vẫn là cánh lái xe Tắc-xi. Như các ông Trù, Mục Thử, Xuân Tích, Thu Thụ, Từ Vinh, Thoa Xuyến, Đạm Biến, bà Hoàn Công v.v...
Làm thợ sửa chữa máy có cụ Đặng quang Nho, Nguyễn văn Quý, ông Hậu gốc vối, ông Dũng Tây v.v... Nấu bếp có cụ Quán, ông Thư, ông Sáu, ông Bối. Thợ máy dưới tầu biển có ông Bằng, ông Cả Khuy. Thợ mộc có cụ Ngoạn, ông Sự, ông Giả Ba lăng. Lái tầu ca-nô lai dắt có ông Giáo, ông Tài Câu. Làm nghề đánh cá có ông Hà Bá, ông Hòa. Đan rổ rá có bà Ức máy cà-phê. Nghề giặt là có cụ Các. Hàng thịt bò có cụ Lân, thịt lợn có ông Tư Tình. Hàng phở có ông Tách máy Cà-phê.
Ở Santo có nhiều người buôn bán. Ông Binh Giả có tầu buôn bán dừa khô chạy các đảo. Thợ nhiếp ảnh có cửa hàng cụ Vũ tiến Hiếu, anh Thành Thập. Cửa hàng tạp hóa có ông Thân, bà Luyến, cửa hàng ăn của ông Hỗ, cửa hàng may mặc ông Cáp v.v... Nhiều người chạy Tắc-xi.
Hoạt động cá nhân:
1946-1948. Học tại trường Liên đoàn
và Cộng hòa. Đến năm 1949 chuyển sang học trường Sơ dòng Ma-rít mang tên Sainte
Jeanne d’Arc do Sơ Marie François Régis giảng dậy. Năm 1952 thi trượt sơ học. Năm 1953 chuyển sang học trường công miễn phí
của Pháp (école publique) Port Vila và đỗ sơ học hạng ưu.
1953-1963. Đi học nghề mộc, nghề đóng
giầy, thả lưới bắt cá. 1955. Đi dậy học ở trường Công đoàn Tagabe. 1958: đi làm
kế toàn hãng HEBRIDA của ông Bourgeois. 1959-1960: làm kế toán hãng OCEANIA ở
Santo. 1961-1962: làm kế toán hãng Pentecost. 1963: làm thư kí văn phòng Ủy ban
Hồi hương.
1960. Ông Vũ Hoàng Trưởng phái
viên Ngoại giao VNDCCH đến Port Vila. Ông ta nói: “Ở VN ai cũng có công việc
làm. Đồng lương đủ để nuôi sống bản thân”. Bọn thanh niên nghe nhưng không hiểu
hết ý câu nói của ông. Cứ nghĩ đơn giản như ở Tân đảo, một người đi làm có thể
nuôi cả nhà. Hồi ấy bọn mình có lương 15.000 francs (300 đô-la). Bộ óc bé tí giầu
sức tưởng tượng. Nhưng phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh: bóng đá –
bóng chuyền – bóng sắt – bóng bàn – săn bắn cá v.v...
30/12/1960-2/3/1961: Con tầu
Eastẻn Queen thực hiện 3 chuyến tầu đầu tiên chở trên 1.600 VK Noumea về Hải
phòng. Đến tháng 4 thì bị gián đoạn vô thời hạn do áp lực của chính quyền miền
Nam.
1963. Phái đoàn Hông Thập tự VN do ông Lê Trung Thủy dẫn đầu đến Port Vila cùng với Hồng Thập tự Pháp tiếp tục giải quyết hồi hương chuyến 4 cho VK Port Vila Tân đảo. Còn nhớ lời ông Thủy: “Đất nước ta tạm thời còn bị chia cắt. Chiến tranh có thể xây ra bất cứ lúc nào. Nếu bà con ta nán lại, chờ đợi khi nào nước nhà thống nhất hãy về thì sẽ tốt hơn”. Ông này bị bà con phản đối. Đa số nóng lòng hồi hương. Sau này khi đặt chân lên mảnh đất thân yêu mới thấm thía được hết câu nói của ông Thủy. JVJ cũng theo mẹ và gia đình hồi hương chuyến tầu ngày 28/7/1963.
(10 phút dành cho JVJ thuyết trình sau hồi hương ở VN và ngày trở lại
Vanuatu)
Với 10 phút nhắn ngủi để diễn
giải cả cái quá khứ 32 năm đầy thăng trầm ở VN là chuyện khó khăn. JVJ sẽ cố gắng
tóm lược như sau:
... Sau 13 ngày đêm vượt biển
khơi, chúng tôi đã được Chính phủ đón tiếp nồng nhiệt. Nhưng tâm trạng hoang
mang vô cùng nơi đất nước xa lạ. Kể cả các ông bà già cũng như người bị lạc.
5/8/1964. Đúng một năm thì bọn Mỹ
bắn phá ném bom Hải phòng và các thành phố lớn. Cuộc sơ tán về vùng nông thôn cực
kì gian nan vất vả. Sống trong cảnh vừa sợ vừa chán nản. Nản nhất là không tìm được
việc làm.
Tháng sáu 1965. JVJ xung phong vào đoàn
vận tải đặc biệt của Miền Bắc chi viện cho miền Nam. Được trang bị như một người
lính và được giao chiếc xe tải mới khựng. Sáu tháng ròng rã hoạt động trên đường
mòn HCM trong vùng rừng núi Trường sơn. Một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm với nhiều
ác mộng. Nhưng kết quả rất tự hào đã cống hiến công sức góp phần vào công cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Được trao tặng huân chương khánh
chiến chống Mỹ và bằng khen.
1964-1972. Hầu như ngày nào bọn Mỹ
cũng ném bom tàn phá hủy diệt tất cả mọi thứ mà VN đang xây dựng lại sau chiến
tranh với Pháp. Từ cầu đường đến nhà máy, bệnh viện, trường học, nhà thờ, chùa
chiền, làng mạc. Hàng ngày mọi người sinh sông bên cạnh cái chết. JVJ gặp nhiều
khó khăn khi xin việc làm vì trong bản khai lý lịch người ta ghi: “Bố đi lính cho Pháp”. Đúng là Cụ Cai Son bị bắt đi lính cho Pháp nhưng đánh nhau với Đức ở tận
bên Tây năm 1914-1918. Bà mẹ tuổi cao sức yếu đã mất đúng vào lúc bọn Mỹ đánh
bom ác liệt. Nên phải đưa cụ ra đồng an táng vào ban đêm. Vô cùng tang thương
đau xót. Cuộc ném bom của Mý kéo dài gần 10 năm. Rất nhiều thanh niên Việt kiều
đã hy sinh trên các chiến trương. Nhiều gia đình VK bị bom sát hại ngay tại nhà
trong thành phố.
Cuối cùng thì chiến tranh cũng
tạm chấm dưt. Do Mỹ bị thiệt hại quá lớn về người và của nên đã phải chịu rút
quân khỏi VN. Đến năm 1975, nước VN đã được thống nhất. Hiện nay VN xếp thứ hai
trên Thế giới về xuất khẩu gạo sau Thái lan và là một trong những nước phát triển
nhanh nhất ở vung Đông nam á.
Với it tiền dành dum ở Tân đảo
mang về, JVJ cũng mua được căn nhà cấp 4 đã cũ. Khi xin được việc thì lương
tháng không đủ nuôi mẹ già và anh cả bị bệnh tâm thần. Lúc đó mời thấy thấm thía
câu nói của ông Vũ Hoàng. Không biết cái gì đã giúp JVJ và gia đình vượt qua được
những khó khăn chồng chất. Cuối cùng thì JVJ cũng được Nhà nước cấp nhiều bằng
khen và huân huy chương.
1995. Được gia đình động viên,
JVJ đã thực hiện chuyến du lịch trở lại Vanuatu và tái định cư cho đến nay. Mục
đích chính là thăm lại nơi sinh thành và bạn bè thân hữu. Nhưng cảnh quan và
khí hậu quá hấp dẫn nên JVJ quyết định ở lại. Được sự giúp đỡ của anh Bình, anh
Hiếu bắt đầu làm việc tại Xưởng đóng tầu của anh Hiếu. Đến năm 1996, làm cố vấn
cho Trung tâm phân phối hàng hóa MDC ở Lakatoro Malakula với ông Charlot Rory.
Gặp gỡ và làm quen với ông Francis Bryard một nhà giáo người Pháp làm hiệu trưởng
trường Rentsary.
1997-2006. Làm giam đốc Siêu thị ABM
Manples Port Vila. Được bầu làm Tổng thư kí của Hội Ái hữu VN từ 1998 đến 2010.
Xây dựng cừa hàng tạp hóa Litchees store (Quán cây vải). Đến năm 2017, chuyển
giao nhà hàng cho con trai và con dâu. Tiếp tục tập trung vào sự nghiệp tìm hiểu,
nghiên cứu lịch sử của người phu mộ Việt nam tại Tân đảo nay là Vanuatu.
Từ 2000 đến 2017. Đại diện cho cộng đồng người VN đón tiếp nhiều phái đoàn Bộ NG VN, các vị Đại sứ, cán bộ Bộ Giáo dục, Thượng tọa Thích Huyền Diệu ở Nepal qua Úc giảng kinh v.v... Đặc biệt, vô cùng hân hạnh và vui mừng được đón tiếp anh chị em nguyên VK Tân đảo từ VN qua New Caledonia tới Vanuatu, thăm lại nơi sinh trưởng của chính mình.
Xin được mạn phép kết thúc bài tham luận ở đây. Một lần
nữa xin chân thành cảm ơn sự mến mộ và chú ý theo dõi của tất cả quý vị. Đồng
thời xin chúc mọi người một buổi tối thật tốt đẹp.
Các đại biểu và khách mời đã trực tiếp phỏng vấn.
JVJ và ông Thân đã lần lượt trả lời từng câu hỏi. JVJ đã ghi nhận hai câu hỏi
liên quan đến công cuộc hồi hương và ngày trở lại Vanuatu như sau:
Quý ông là người sinh trưởng tại Tân đảo như vậy không hề biết nước VN như thế nào. Nhưng tại sao quý ông lại đăng kí hồi hương về VN?
Trả lời: Xin cảm ơn quý vị đã có câu hỏi tế nhị. Có rất nhiều lí do. Đúng ra, chúng tôi không biết tí gì về VN cả. Nhưng cái cốt yếu của thanh niên chúng tôi thời đó là nặng tình thương yêu đối với bố mẹ, ngoài ra còn có nghĩa vụ báo hiếu đối với các bậc sinh thành theo phong tục của Việt Nam. Chúng tôi không thể để các cụ tuổi cao sức yếu trở lại quê hương một thân một mình được. Chúng tôi có nghĩa vụ đáp ứng nguyện vọng thiêng liêng của cha mẹ với hy vọng là được đền đáp một phần công ơn của cha mẹ. (Mọi người vẫn nuôi hi vọng là nếu khó khăn sẽ trở lại nơi sinh trưởng của minh). Nhưng tình thế lúc bấy giờ không cho phép. Không phải cứ muốn là được. Dù sao, bọn chúng tôi cũng đã hoàn thành một phần nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ. Đồng thời cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của một công dân tốt đối với Tổ quốc của ông bà cha mẹ mình.
Động cơ nào khiến quý ông quyết định trở lại sinh sống ở
Vanuatu?
Trả lời: Đó chính là sự hoài niệm về cố hương nơi mình sinh trưởng (La nostalgie). Sau hơn 30 năm công hiến sức mình xây dựng và bảo về Tổ quốc, gia đình và bạn bè đã động viên JVJ thực hiện chuyến du lịch. Mục đích chính là trở về thăm lại nơi sinh thành, thăm viếng phần mộ ông bố đang yên nghỉ tại nghĩa trang Port-Vila và thăm hỏi gia đình, bạn bè thân quen cũ lần cuối mà thôi. Nhưng, một sợi giây vô hình và phong cảnh hữu tình đã lôi cuốn làm cho JVJ quyết định ở lại. Sau nhờ được sự giúp đỡ của các cháu và bạn bè cũng như chính quyền tạo điều kiện cho JVJ làm thủ tục định cư cho đến nay.
Một vài hình ảnh lưu niệm.
Tay phải: Các Ông BRYARD Francis - CUMBO Georges - PETIT Fred - JVJ - ROBERT.
JVJ chụp ảnh lưu niệm với Sinh viên nam nữ Đại Học QG Vanuatu
Gặp gỡ mạn đàm tại Hội trường
Quang cảnh Hội trường
Tác giả bài viết xin được kết thúc câu chuyện ở đây với
lời cảm ơn chân thành quý mến đến tất cả quý vị và bà con anh chị em đã dành
thì giờ quý báu của mình để theo dõi chia sẻ nhân dịp kỉ niệm 100 năm sự hiện
diện của người phu mộ VN tại Tân đảo.
Xin chào và chúc quý vị dồi dào sức khỏe, thành đạt và
niềm vui hạnh phúc.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire